Từ bé, nhờ sự giáo dục của bố mẹ, tôi đã được rèn cho tính chăm học, tự tìm tòi. Thật là may mắn biết bao. Tuy nhiên, tôi đã luôn trăn trở về lý do để bản thân làm việc ấy.

Lúc bé tí, việc học với tôi là cái tạo ra hạnh phúc cho bản thân. Bởi tôi phấn khích khi lấy kính lúp đốt được giấy, thoả mãn khi vẽ lại bìa truyện Conan bằng Autocad, tự hào khi biết đi mua đồ mà cầm đúng số tiền thối về. Và quan trọng nhất, lớn lao nhất, chính là vì tôi được mẹ khen ngoan ngoãn, tài giỏi. Nghe câu “Con trai của mẹ giỏi quá!” mà sướng làm sao. Bao nhiêu cảm xúc hân hoan như thế có được là nhờ công đọc sách, học tập.

Ấy thế mà khi lớn lên một chút, việc học đối với tôi còn là nghĩa vụ. “Phải học để cho gia đình dòng họ nở mày nở mặt, để không thua kém các anh họ, để cho người đời không khinh thường, để sau này kiếm nhiều tiền, để trở thành một tấm gương cho em trai, …”, chẳng biết từ khi nào và tại sao mà những nghĩa vụ đó đã len lỏi khắp ngóc ngách trong đầu tôi, tệ hơn nữa, là được khắc trong tim tôi.

Dần dần, tôi học theo cách tiêu cực hơn, mất dần đi niềm vui ban đầu. Tôi học theo sự sắp đặt của mẹ, của thầy cô: học khi nào, học thêm ai, đọc cái gì, viết như nào. Việc tự học của tôi bị biến chất thành sự đối phó vô hồn được gắn cái mác “tự học”. Tôi chép bài làm bài đầy đủ, làm trước các dạng bài tập, tìm trước câu trả lời cho mấy câu hỏi trong sách giáo khoa mà biết rằng giáo viên sẽ hỏi, thuộc lòng bao nhiêu câu về văn, sử, địa rồi quên ngay sau kiểm tra. Nói chung là tôi biểu hiện đúng những gì mà mọi người xung quanh cho là sẽ có tương lai xán lạn, nhưng mà thực ra tôi thấy trình độ học tập của mình chả hơn tí gì. Phụ huynh, thầy cô ai cũng khen tôi biết tự học, chăm chỉ, nhưng tự tôi thấy mình chả khác gì cái máy. Cái máy nào mà chẳng chăm chỉ, siêng năng cơ chứ. Hoạ chăng còn toán, lý, tin là tôi còn yêu thích, nên có chú tâm mà tìm tòi. Tôi gần như vô tâm trong việc học.

Chuyện còn tệ hơn khi vào trường chuyên. Tôi đậu chuyên toán. Tuy thật tuyệt khi được đào tạo cho óc toán học sáng suốt và quan điểm học toán lành mạnh, nhưng các môn học khác, tôi bỏ bê nhiều, đặc biệt là văn học. Tôi nào ghét văn chương, còn yêu nó rất nhiều là khác. Mà tại tôi cứ đâm đầu vào cái hứng thú, cái môn chuyên của mình. Mảng toán học đấy là nơi duy nhất tôi còn giữ gìn và phát triển được sự thích thú, sự tự học chân chính của mình. Viện cớ “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, tôi, một đứa có kiến thức rời rạc, phân mảnh, nay lại thêm một thói xấu là chỉ quan tâm một vấn đề hẹp.

Tốt nghiệp phổ thông, tôi tự thấy trình độ văn hoá, nghệ thuật của mình thật yếu kém, bảo thiếu thì không đúng nhưng trông chẳng ra thể thống gì, thậm chí ở môn toán mà mình tâm huyết, tôi còn không đạt theo kỳ vọng của mình. Văn sử địa không rành, lý hoá sinh không thông, tâm hồn tôi nghèo nàn. Tôi rời khỏi ghế nhà trường với đầu óc toàn kiến thức tản mạn, không ăn nhập với nhau. Ngày cuối ở trường phổ thông, tôi thất vọng về bản thân đến mức quên cả việc đưa áo cho những người bạn yêu quý ký tên. Tôi vô tâm.

Sự vô tâm đó không chỉ có trong việc học. Nó bắt đầu di căn khắp tinh thần, tư tưởng tôi. Tôi thờ ơ với bao nhiêu thứ mình từng quan tâm, rồi chỉ chạy theo bao cái hào nhoáng tầm thường: kiếm được tiền, kết nối tạo mối quan hệ có lợi cho sự nghiệp, xin tham gia mấy câu lạc bộ danh tiếng. Sự vô tâm của tôi đã khiến bản thân nhiều lần lựa chọn sai lầm, cư xử không đúng và rồi mất đi những điều quan trọng, và người quan trọng.

Khoảng thời gian đầu năm nhất ấy, là đoạn đời tệ nhất từ trước tới nay của tôi. Sau đó, tôi không học gì nữa. Thậm chí cái học vô cảm chỉ để đối phó tôi còn không làm. Hậu quả là thành tích những tháng năm đầu học đại học của tôi tệ hại. Tôi còn chả thấy thất vọng về chuyện đó. Sự vô tâm trong việc học dần phát triển thành sự bỏ bê cả cuộc sống mình.

May mắn thay, tôi có những người bạn tốt, tuyệt vời. Cách nhau hơn 1500km, họ vẫn luôn động viên tôi, cổ vũ tôi, kéo tôi lên khỏi vực thẳm vô cảm trong khi bạn cũng có bao nhiêu là âu phiền. Tôi thấy mình quá may mắn, hạnh phúc và lòng tràn đầy sự biết ơn. Tuy mất kha khá thời gian, nhưng tôi rồi cũng hết vô tâm về cuộc sống. Tôi tích cực hơn trong mọi chuyện. Nhờ đó mà việc học tập của tôi khá khẩm hơn. Tôi khắc phục những sai lầm trước đây, tìm lại được hứng thú học tập, tuy nhỏ bé, nhưng may là có lại rồi.

Tôi cũng còn không xuôi theo dòng chảy hối hả của bạn bè đồng trang lứa. Có thể tôi sẽ thua kém họ nhiều, điểm số thấp hơn, chuyên môn kém hơn, tốt nghiệp đại học chậm hơn, kiếm tiền chậm hơn. Nhưng tôi biết mình còn nhiều thiếu sót và nhận thức rằng mình cần tự đào tạo lại cho bản thân một cái vốn văn hoá cơ bản vững chắc. Tôi không muốn đầu óc mình rời rạc nữa. May mắn là gia đình tôi ủng hộ, không thúc ép, không áp lực tôi ra trường sớm.

Sau hơn mười năm, tôi đi được một vòng để gặp lại sự học trong sáng, sự học theo niềm tò mò, thích thú như thuở bé.

Nhưng mà nói chứ, cứ mãi học theo ý thích như thuở bé thì không ổn. Tôi có còn bé đâu. Tôi đặt sự học có chiều sâu và sự học có chiều rộng, rồi cái học “kiếm sinh kế” và cái học “không vụ lợi” lên hai bên bàn cân, cố tìm điểm cân bằng. Tôi trăn trở lại về lý do học tập và phương pháp tự học.

Sự kiện đánh dấu sự trưởng thành về mặt tư tưởng học tập của tôi chính là lúc tôi đọc được quyển “Tôi tự học” của tác giả Thu Giang. Tôi biết đến tác phẩm này từ một lần ghé chơi nhà một người bạn và tình cờ thấy nó trên kệ sách. Vì hứng thú, nên tôi đã xin mượn về đọc. Cậu bạn ấy thậm chí còn tặng tôi luôn quyển sách, thật là một người tốt. Tuyệt vời làm sao khi bao cái trăn trở, suy nghĩ trong lòng được giải đáp và nói ra trong đấy. Quyển sách giúp tôi hệ thống lại tư tưởng của bản thân, chỉ cho tôi phương pháp học tập. Và điều quan trọng nhất mà quyển sách gợi cho tôi, đó chính là lý do học tập: học là để sống hạnh phúc. Với tôi, đây chính là mục đích hay nhất, cân bằng được cái cân mà tôi trăn trở. Về nguyên do tại sao tôi nghĩ thế, xin nói sau ở bài viết cảm tưởng về tác phẩm “Tôi tự học”. Từ đấy, tôi thấy mình tiến bộ hơn. Còn chặng đường dài phía trước, nhưng ít ra tôi đã không còn mông lung, không còn vô tâm nữa.

Sự học là chuyện cả đời. Lúc viết những dòng này, tôi mới 20. Lớn thì lớn, cứng cáp thì cứng cáp, nhưng tôi cũng non nớt, cũng yếu đuối. Mong sao tôi luôn vững bước trên con đường theo đuổi học thức của mình. Mong sao tôi có cuộc đời hạnh phúc như tôi hằng ước mong.