1. Nói chung về việc học ngoại ngữ
Để cho học vấn của mình rộng hơn, sâu sắc hơn, ta không thể không biết một ngoại ngữ nào đó. Bởi, có ngoại ngữ thì ta mới có thể tiếp thu những kiến thức từ sách vở ở các nước khác, nhờ đó mới làm giàu thêm văn hoá của bản thân. Nhưng có thể không học ngoại ngữ mà vẫn tiếp thu kiến thức từ nước ngoài được không? Được, ta có thể cậy vào các dịch giả. Thế nhưng việc này có bất lợi. Dễ nhận ra nhất đó là ta phải phụ thuộc vào dịch giả, cụ thể là vào sở thích, trình độ, năng suất làm việc của họ. Mà thật ra, những gì đã được dịch ra thì có còn mới nhất đâu, đọc mãi sách dịch thì ta sẽ mãi đi sau thế giới.
Học ngoại ngữ, thật ra là có hai kiểu chính. Phần lớn mọi người gọi chung là “học” ngoại ngữ, nhưng ta có thể phân loại ra thành “language acquisition” và “language learning”1. Hai kiểu này có thể hiểu tương ứng như là “top-down approach” và “bottom-up approach” vậy. Tất nhiên là mỗi kiểu đều có ưu nhược, và hiện nay được ít nhiều khắc phục và cải tiến. Nhưng trong bài viết này, tôi xin phép “đẩy” hai phương pháp ấy ra “điểm cực biên”, trình bày cái ý chính của nó. Từ đó rồi ta sẽ tổng hợp mà chọn ra “phương pháp ở giữa”.
Về kiểu thứ nhất (language acquisition), chính là cách mà chúng ta học tiếng mẹ đẻ. Ta học ngoại ngữ bằng cách tiếp xúc với ngoại ngữ đó thật nhiều, rồi sau một thời gian, não ta sẽ tự tiếp thu được ngoại ngữ đó. Nói thế không có nghĩa là khi dùng phương pháp này ta nghe, đọc vô tội vạ, thế sẽ không hiệu quả và sẽ tốn rất nhiều thời gian. Muốn cho hiệu quả, các bài học phải được sắp xếp, thiết kế tinh vi sao cho mỗi bài học đều “trên khả năng của người học một chút”, mức độ nâng cao từ từ. Chính vì thế, tuy là một phương pháp rất tự nhiên, hiện không có nhiều chương trình học ngoại ngữ theo phương pháp này, và cũng bởi người mới rất dễ nản vì không hiểu gì. Vả lại, kiểu này cũng khó mà đưa vào giáo dục phổ thông được.
Còn với kiểu thứ hai (language learning), chính là cách “truyền thống”, bao đời nay nơi nào cũng học kiểu vậy. Người học sẽ học về chính ngôn ngữ đó, tức là học cách dùng, tập phát âm, học thuộc cấu trúc, tập dịch, nói với giáo viên, … rồi hy vọng rằng sau một thời gian sẽ sử dụng được ngôn ngữ ấy. Cách này, trông có vẻ rất rất ổn, nhưng lại có một nhược điểm lớn là kỹ năng nghe và kỹ năng nói, hai kỹ năng giao tiếp thiết yếu, sẽ không được thực hành nhiều bởi thời gian bị chiếm dụng cho các việc khác. Nhưng điểm mạnh của phương pháp này đó là người học sẽ biết đọc tài liệu nước ngoài, biết viết bài câu văn, đoạn văn bằng tiếng nước ngoài rất tốt. Tôi thậm chí còn từng gặp các bạn nhỏ viết tiếng Anh còn chỉn chu hơn cả viết tiếng Việt.
Như vậy, ta cần một chương trình học ngoại ngữ mà có được những cái ưu điểm của hai phương pháp trên, nôm na là: được nghe và đọc nhiều, khi nói và viết phải tốt. Cá nhân tôi đã học tiếng Anh từ lớp 1 đến giờ, gần mười lăm năm, còn tiếng Pháp thì học lác đác trong vài năm gần đây. Tuy học lâu thế mà cũng chẳng giỏi lắm, tiếng Anh thì trung bình khá, còn tiếng Pháp vẫn non, nhưng tôi cũng xin trình bày một chương trình học ngoại ngữ tự mình đúc kết sau bao năm học không hiệu quả ấy. Hiện tại, tôi đã áp dụng phương pháp này để học tiếp tiếng Pháp và bắt đầu học tiếng Nhật.
2. Chương trình học ngoại ngữ (của tôi)
Nói là chương trình “của tôi” thế thôi, nhưng cũng chẳng có gì mới đâu. Tôi nhận ra có rất nhiều người, cả người Việt và người nước ngoài, dùng một chương trình tương tự như này đều tự học thành công một ngoại ngữ. Mà theo ý kiến cá nhân của tôi, bất cứ ai học ngoại ngữ đều phải trải qua một quá trình tương tự, nói cách khác, đó là cách duy nhất con người học ngoại ngữ.
Một chương trình học ngoại ngữ cần đảm bảo rèn luyện 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Chương trình của tôi đề ra có rèn luyện đủ 4 kỹ năng, chia thành các quá trình dựa trên 4 kỹ năng đó. Chương trình của tôi gồm các quá trình như sau:
- Học các kiến thức cơ bản
- Tập trung nghe
- Tập trung nghe và đọc
- Tập trung nói và viết
Hoàn thành xong, ta có thể tụ tin dùng được ngoại ngữ. Lưu ý là các quá trình này nên diễn ra theo thứ tự như vậy, và chúng có thể “chồng lên nhau”, tức là sẽ có đoạn chúng diễn ra song song với nhau, tuỳ thuộc vào người học. Lời khuyên cụ thể hơn sẽ trình bày ở các mục con sau.
Khi học ngoại ngữ cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Biết “bỏ qua” mà tiếp tục: nghe hơi ngược đời nhưng ta không cần phải cố gắng học cho xong một unit trong giáo trình, luyện cho thạo liền những chủ điểm ngữ pháp còn lờ mờ, những âm phát ra chưa chuẩn, accent chưa bản xứ,… Học ngoại ngữ là một quá trình dài, phải biết bỏ qua: unit chưa học xong thì hôm sau học tiếp, mà thật ra nhảy sang unit mới học luôn cũng được; điểm ngữ pháp nào chưa thạo thì đừng lấy đó mà ngại học sang cái mới, cái cũ học lại sau; âm phát ra chưa chuẩn thì luyện sau và cứ học sang âm khác, âm cũ có thể luyện trong lúc học từ vựng hoặc là vào hôm khác; accent thì cứ bắt chước một hồi lâu là giống thôi.
- Chọn bài học ngoài “vùng thoải mái” một chút: Nếu ta đọc những bài viết toàn từ vựng quen thuộc, nghe những bài nghe mà rõ đến mức chép lại được, nói và viết nhiều về những nội dung quá đỗi quen thuộc, thì ta đang dậm chân tại chỗ. Thế nên, khi chọn bài học hay bài tập, ta phải chọn sao cho nó khó hơn tầm hiểu biết của ta một chút. Chỉ một chút thôi để não ta có thể dựa vào những gì đã biết từ trước mà suy ra ý nghĩa của những điều mới.
- Học tập một cách liên tục, tránh bị gián đoạn: các cụ nói cấm sai: “nước chảy đá mòn”.
- Lập ra một thời gian biểu học tập: ta phải biết quý lấy thời gian của mình mà học tập kỷ luật.
- Tin tưởng rằng bản thân sẽ thành công: nghe hơi “self-help”, nhưng hãy như thế nhé.
Sau đây, tôi xin trình bày cụ thể hơn về các quá trình của chương trình học ngoại ngữ (của tôi).
2.1 Học các kiến thức cơ bản
Đầu tiên, khi bắt đầu học một ngôn ngữ mới, ta sẽ học những điều cơ bản nhất của ngôn ngữ ấy theo thứ tự như sau: bảng chữ cái, từ vựng cơ bản, ngữ pháp cơ bản.
- Bảng chữ cái (nếu có) thì phải thuộc cho chắc. Nếu ngôn ngữ có có thể “đánh vần”2 được thì cũng nên xem qua các quy tắc cho biết.
- Từ vựng cơ bản sẽ có khoảng gần 1000 từ (tuỳ ngôn ngữ). Lời khuyên là khi học ta hãy dùng SRS (space repetition system), như Anki chẳng hạn, để đạt hiệu quả tốt nhất. Khi học từ, tối thiểu là phải có kênh nghe, tức là có file audio người bản xứ nói từ đấy. Tốt hơn nữa, ta có thể tập đọc theo hoặc chèn thêm kênh hình ảnh, IPA,…
- Đối với các chủ đề ngữ pháp cơ bản, khi học không cần quá khắt khe theo nghĩa là phải nhớ hết tất cả liền. Có thể lướt qua các chủ đề mà ta cảm thấy khó. Ta có thể ôn lại ngữ pháp sau này (thật ra là phải ôn lại).
Ta có thể bắt đầu học từ khi “gần học xong” bảng chữ cái và có thể học ngay ngữ pháp khi đã biết khoảng 100 từ thông dụng nhất (tôi tự ước lượng con số 100).
Quá trình này có thể kéo dài tới một, hai tháng. “Vạn sự khởi đầu nan”, đây cũng chính là giai đoạn khó khăn cần cố gắng vượt qua. Và hãy nhớ đến nguyên tắc 1, ta không cần phải hoàn thành mọi thứ một cách hoàn hảo mới được qua quá trình khác. Khi nào cảm thấy “cũng kha khá” rồi thì là ta sang quá trình tiếp theo được rồi.
2.2 Tập trung nghe
Đây là quá trình ta tập trung nghe thật nhiều, dành gần như tất cả thời gian học ngoại ngữ cho việc nghe. Nói như vậy có nghĩa là ta không chỉ có nghe thôi mà cũng cần thường xuyên nhìn lại kiến thức cơ bản xem có những thiếu sót gì không.
Về quá trình này, có vài vấn đề sau cần lưu tâm:
- Nghe gì: Hãy tìm các podcast, vlog, blog có nội dung bằng ngoại ngữ dành cho người mới, mà thật ra nghe thẳng các podcast hơi nhanh, hơi trung cấp cũng chả sao, miễn là tuân thủ nguyên tắc 2 mà tôi nói ở trên.
- Nghe từ đâu: Youtube + adblock là chân ái. Nếu có điều kiện hơn thì dùng spotify/apple music premium. Đừng để quảng cáo làm phiền bạn. Hãy mở khoá chức năng chuyển bài không giới hạn (cho đúng với nguyên tắc 1, chứ tôi không quảng cáo đâu).
- Nghe khi nào: Có 3 kiểu nghe là nghe chủ động (active listening), nghe thụ động (passive listening) và “nghe làm nền” (background listening). Nghe chủ động tức là nghe vào thời gian trống đã xếp sẵn. Nghe thụ động là nghe vào lúc ta đang làm một việc gì khác không cần nhiều sự tập trung, ví dụ như nghe lúc giặt đồ, lau nhà,… Còn “nghe làm nền” thì có thể nghe lúc nào cũng được, kể cả lúc không tập trung nổi mà tiêu biểu là nghe lúc hiu hiu ngủ (vâng, có nội dung như thế thật).
- Nghe như nào: Nghe chủ động thì phải tập trung toàn bộ tinh thần mà nghe, tiêu biểu là phương pháp nghe rồi chép lại. Với nghe thụ động, tuy gọi là thụ động, nhưng mà ta vẫn phải dành một phần nhỏ ý thức mà đoán ý nghĩa bài nghe, đối xử với bài nghe như một người mà ta đang nói chuyện vu vơ cùng vậy. “Nghe làm nền” là kiểu mà dùng ít sức lực tinh thần nhất. Lời khuyên của tôi là phải biết kết hợp cả 3 loại theo một tỷ lệ phù hợp, mà trong đó nghe thụ động chiếm nhiều thời gian nhất, nghe chủ động là nhì, còn “nghe làm nền” không làm cũng được. Tại sao nghe thụ động lại là nhất? Bởi tôi tin đây là kiểu nghe dễ duy trì hằng ngày nhất. Nghe chủ động thì lại tốn quá nhiều sức lực tinh thần và dễ gây nản. Mà nghe kiểu nào thì ta cũng không được bật phụ đề ngôn ngữ đã thạo.
- Bắt đầu quá trình này vào thời điểm nào: Ta bước qua quá trình tập trung nghe sau khi hoàn thành quá trình 1, tức là đã học qua cơ bản. Thậm chí ta hoàn toàn có thể lao vào giai đoạn này luôn mà không cần phải hoàn thành hẳn giai đoạn học cơ bản (ứng dụng nguyên tắc 1, phải biết bỏ qua rồi quay lại sau). Tất nhiên, bắt đầu càng sớm thì nội dung phù hợp cũng sẽ càng hiếm hơn, sẽ gặp càng nhiều khó khăn hơn khi nghe. Việc này tuy ý lựa chọn theo cảm nhận, không sao cả.
Quá trình này có thể kéo dài khoảng một tháng. Khi nào thấy nghe “cũng kha khá” các nội dung cơ bản rồi, ta có thể chuyển sang quá trình tiếp theo.
2.3 Tập trung nghe và đọc
Ở quá trình này, đối với nghe, ta vẫn làm y như quá trình trước, nhưng ta sẽ nghe những nội dung trung cấp và cũng không dành đa số thời gian cho việc nghe nữa. Gần như tất cả thời gian học ngoại ngữ sẽ gồm luyện nghe và luyện đọc, với tỷ lệ tương ứng là 7:3. Khi nghe thạo hơn rồi thì đổi sang tỷ lệ 5:5.
Có lý do mà tôi cho rằng việc tập đọc nên diễn ra muộn như này (tôi trừ việc đọc khi học từ bằng SRS ra). Đó là bởi khi ta chưa hình dung được ngôn ngữ đó được nói như nào, chưa học được những quy tắc phát âm, chưa quen với “giọng” của ngôn ngữ đó thì việc đọc sẽ vô tình làm ta làm trầm trọng hơn những lỗi sai khi nói, sau này sẽ khó sửa. Như vậy, trước khi luyện đọc, cần học kiến thức căn bản về phát âm, ngữ điệu và nghe đủ nhiều để não ta hình dung được ngôn ngữ đó nghe như nào.
Về việc luyện đọc ở quá trình này, ta cũng cần lưu tâm đến các vấn đề sau:
- Đọc gì: hãy tìm các blog, tờ báo và sách ngoại văn có nội dung phổ thông, dễ nhất là cứ tìm sách dành cho trẻ con mà đọc. Nhưng với sự phát triển của các mô hình ngôn ngữ lớn, các chatbot như ChatGPT có thể dễ dàng tạo cho ta một văn bản ngoại ngữ phù hợp mà học.
- Đọc khi nào: Đọc cũng có hai kiểu là chủ động và bị động, giống như nghe vậy. Tiêu biểu của đọc chủ động là làm bài tập từ các giáo trình hoặc là đọc tài liệu chuyên ngành vì sau khi đọc ta có các câu hỏi để kiểm tra độ hiểu. Vì thế ta phải dành thời gian riêng cho việc đọc chủ động. Còn về đọc bị động, ta có thể thực hiện lúc giải trí, hoặc lúc gần đi ngủ.
- Đọc như nào: Khi đọc chủ động, ta đừng dùng các “mẹo” đọc dùng trong các kỳ thi như đọc lướt, tìm ý. Lúc đầu thì cứ đọc chậm, đọc thành tiếng, sau này rồi đọc thầm và tăng tốc độ. Khi đọc mà thấy có từ mới thì đánh dấu nó, rồi đọc tiếp. Đọc xong đoạn hoặc chương thì ta hãy cho nó vào SRS mà để học từ mới. Còn với đọc thụ động, nó như là đọc lướt vậy. Ta có thể đọc thụ động khi bật phụ đề ngoại ngữ trên video giải trí ở Youtube, tính năng tự động tạo phụ để của Youtube rất tuyệt. Ta cũng có thể thực hành đọc thụ động khi đổi ngôn ngữ trên laptop, điện thoại thành ngôn ngữ đang học.
- Bắt đầu quá trình này vào thời điểm nào: Ta bước qua quá trình tập trung nghe sau khi hoàn thành quá trình 2, tức là nghe đủ nhiều, cốt là để làm sao cho việc đọc không gây ảnh hưởng xấu đến phát âm của ta.
Quá trình này chính là quá trình kéo dài nhất, có khi là vài năm. Khi nào ta có thể nghe, đọc các nội dung dành cho người bản xứ, thì gọi là đã thành công.
2.4 Tập trung nói và viết
Về hai kỹ năng này, nói khó học cũng đúng mà dễ học cũng đúng. Các vấn để mà ta cần để tâm sẽ đơn giản hơn nhiều:
- Nói và viết gì: gì cũng được, cho dễ thì nói và viết về chuyện xung quanh
- Nói và viết khi nào: khi nào cũng được
- Nói và viết như nào: như nào cũng được, miễn là đúng cấu trúc. Ta cứ tự tin mà nói, mà viết. Khi nói thì có thể quay video hoặc ghi âm để ta có thể nghe lại mà nhìn ra những lỗi lầm của ta, rồi cải thiện. Việc ta “chêm” ít từ tiếng mẹ đẻ khi tập nói là được phép, tuy nhiên cần biết hạn chế để không thành thói xấu. Dễ hơn thế, ta cứ lên các web tương tự như omegle mà tìm người bản xứ để nói chuyện. Còn với viết, khi viết xong thì tự kiểm tra xem có sai ngữ pháp, sai chính tả ở đâu không, câu cú có tối nghĩa không là được.
- Bắt đầu quá trình này vào thời điểm nào: Ta chỉ thực hiện quá trình này sau khi hoàn thành giai đoạn 2 và không nên làm khi chưa thực hiện quá trình 3. Có thể thực hiện song song với quá trình 3, nhưng ta không được chiếm dụng thời gian nghe đọc.
Tuy nhiên, rèn luyện hai kỹ năng này thật khó nếu ta ngại giao tiếp hoặc không có thói quen viết từ trước. Vượt qua khó khăn này cũng không còn cách nào ngoài mạnh dạn lên và viết nhiều lên. Đến khi nào ta giao tiếp trôi chảy với người bản xứ, biết viết ra ý nghĩ của mình (nếu không biết từ khó thì cũng không sao) thì gọi là thành công, gọi là đã xong quá trình này.
2.5 Xong các quá trình trên rồi thì làm gì?
Tóm tắt lại các ý từ các mục con trên, chương trình của chúng ta sẽ đi theo 2 kiểu chính:
- Quá trình 1 → Quá trình 2 → Quá trình 3 → Quá trình 4
- Quá trình 1 → Quá trình 2 → Quá trình 3 + Quá trình 4
Như đã nói chi tiết ở trên, ở giữa hai giai đoạn liền nhau có thể có sự “chồng lên”.
Thế sau khi hoàn thành các quá trình trên, ta có thể làm gì nữa? Ta hãy tìm đến các video của người bản xứs để hiểu hơn về các từ l óng, xem các nội dung liên quan đến chuyên ngành của mình, cẩn thẩn hơn thì có thể ôn lại các kiến thức một lần nữa. Ta cũng có thể tham dự một kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, hoặc xa hơn nữa là học biên-phiên dịch. Tuyệt vời hơn, ta có thể đi dạy cho người khác.
3. Một số trang web hỗ trợ học ngoại ngữ hữu ích
Để kết thúc bài viết, tôi xin liệt kê ra các trang web, video hữu ích về học ngoại ngữ:
- Youtube: tuy thời đại này nội dung “rác” nhiều nhan nhản, nhưng những video chất lượng vẫn còn được tạo ra trên nền tảng này. Đây chính là nơi mình dựa dẫm để học được tiếng Anh và tiếng Pháp.
- https://ankiweb.net/shared/decks: nơi tìm bộ thẻ anki.
- https://www.deepl.com/en/translator: dịch câu văn tốt hơn google dịch.
- https://www.youtube.com/watch?v=7fvCb5_Nzq4: video nói về cách học tiếng Nhật, nhưng thật ra ta có thể áp dụng cho mọi ngoại ngữ.
- https://www.youtube.com/@LanguageTransfer: nếu bạn biết tiếng Anh thì có thể học những điều cơ bản của một số các ngôn ngữ phổ biến khác từ đây. Ngoài ra, kênh này cũng cung cấp một số kiến thức về ngôn ngữ học khá thú vị.
Footnotes
-
Tôi dùng những thuật ngữ tiếng Anh bài viết này mà không dùng tiếng Việt là bởi vốn từ của bản thân còn hạn hẹp, chưa biết dịch những từ ấy ra tiếng Việt làm sao cho phải. Xin thông cảm. ↩
-
Ý của tôi khi nói một ngôn ngữ “đánh vần được” là để chỉ tính chất sau của chữ viết: mỗi chữ/cụm chữ có đúng một cách phát âm và có thể dựa vào đó mà đoán cách phát âm một từ chưa từng nghe chỉ bằng cách nhìn vào chữ viết. Như vậy là chữ quốc ngữ ta đang dùng đánh vần được, tiếng Pháp đánh vần được, nhưng mà tiếng Anh thì không. ↩