Tôi xin tiếp tục viết lại những ghi chú của mình về tác phẩm “Tôi tự học”. Đây là phần trước.
Chương V: Đọc những gì?
1. Tiểu thuyết tâm lý
Đọc tiểu thuyết có ích cho sự học của ta bởi nó giúp ta biết thêm về hơn đời sống của mình, cũng như đời sống của những người xung quanh, cụ thể, ta thấy được những phong tục khác nhau, những vấn đề về đạo đức, nhân sinh,… Từ đó, ta đặt những câu hỏi, ta suy nghĩ, rồi ta hiểu mình, hiểu người hơn.
Về cách đọc tiểu thuyết, tác giả Thu Giang có đề xuất một vài đầu sách, cả sách Việt lẫn sách Pháp. Tôi chọn ra trong đó hai tác phẩm để đọc sau, là “Viết và đọc tiểu thuyết” của Nhất Linh và “Défense des Lettres” của Georges Duhamel.
2. Sử
Phần đông mọi người cho rằng học sử chính là học về những bài học trong quá khứ để hiểu biết về hiện tại và dự bị cho tương lai. Tuy nhiên, nói như thế cũng chưa hẳn là đúng, bởi để được như thế thì sử cần phải được thuật lại đúng. Chính vì vậy, khi đọc sử, ta nên giữ cho mình một ít hoài nghi, dè dặt.
Tác giả giới thiệu đến một phương pháp để đọc sử: phương pháp phê bình sử học, gồm các bước:
- Phê bình ngoại bộ:
– Tìm đủ các tài liệu để tìm ra “thực-sự”. Cùng một sự việc, ta có thể dùng nhiều tài liệu khác nhau để so sánh, phân tích điểm giống khác nhau giữa chúng.
– Hãy phê bình lai lịch của tài liệu đã tìm: nó ở đâu đến, xảy ra khi nào và do ai viết?
– “Phục hồi” nguyên văn những tài liệu mà tuy chính xác nhưng vẫn còn nhiều chữ, nhiều câu bị kẻ khác thêm vào. - Phê bình nội bộ:
– Giải thích tài liệu: xem tác giả muốn nói gì? Điều quan trọng cần phải lưu ý ở bước này chính là: khi đọc một câu văn, cần phải đối xử với nó như là một phần của cả đoạn, hoặc của cả bài chứ không chỉ là một câu riêng lẻ. Có hai sách tham khảo mà tác giả nhắc đến là “De la Méthode dans les Sciences” và “Les Techniques de la Critique et de l’Histoire Littéraire”.
– Tác giả có thành thực hay không?
– Liệu tác giả có nhầm lẫn không?
– So sánh với các tài liệu khác.
3. Báo
Báo tuy là một hình thức truyền đạt thông tin một cách rộng rãi, nhưng nó khó có thể giúp ta có được một cơ sở văn hoá vững chắc. Báo mà viết đúng kiến thức, nghiên cứu đúng đắn thì thường là những tờ báo, tạp chí nghiên cứu khoa học. Loại báo ấy thì dành cho những người có học vấn cao, đã nắm vững kiến thức nền tảng. Do đó, đối với việc học, ta nên trông cậy vào sách hơn.
Ngoài ra, để đọc báo mà cập nhật tin tức, để biết được sự thật, thì hãy đọc báo như đọc sử, phê bình bài báo như phê bình sử liệu.
4. Thiên văn và Địa lý
Người tri thức cần phải có một cái học “thượng tri thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự”. Tôi tin đây cũng là mong muốn, là điều mà những người hiếu học hướng tới. Ở phần này, tác giả có liệt kê ra rất nhiều sách. Tuy nhiên, đấy là những sách đã được xuất bản từ khoảng một trăm năm trước. Đọc sách về thiên văn, địa lý thì phải đọc sách mới nhất và hiện tại có nhiều đầu sách mới hơn, được cập nhật nhiều khám phá mới hơn. Tuy thế, tôi vẫn sẽ chép lại vài tựa sách mà tác giả Thu Giang đã đề xuất và coi chúng như là gợi ý về chủ đề để tìm đọc thêm. Tóm lại, ta cần tìm đến các chủ đề lớn như sau:
- Thiên văn học: Initiation Astronomique của Camille Flammarion (Hachette), Le Ciel et l’Atmosphère của L.Houllevigne (A.Colin), quyển De Destin des Etoiles của Svante Arrhénius (Alcan), quyển De l’Espace à l’atome của Carl Stormer (Alcan) và quyển Le Ciel của Alphonse Berget (Larousse).
- Về lịch sử nhân loại, về sự sống: La Terre avant l’histoire của Edmond Perrier, La Vie et la Mort của Dastre (Flammarion). Khó hơn thì có những quyển: La Genèse des espèces animales (Alcan), l’Adaptation (Doin) của Lucien Cuénot, Le Transformisme et l’Expérience (Alcan), l’Hérédité (Colin), l’Évolution et l’Adaptation (Chiron) và Éléments de biologie générale (Alcan).
- Về địa lý: Ce monde où nous vivons của Lincoln Barnet (Hachette), Géographie Générale Illustrée (Quillet xuất bản).
- Những quyển sách du ký, bàn về tâm hồn của từng dân tộc.
- Văn học ngoại quốc: muốn biết về tâm hồn Anh thì đọc Shakespeare, Dickens. Về tâm hồn Đức thì Goethe, Heine, Hoffmann, Schopenhauerm, Nietzche. Về Ý thì Dante, Annunzio. Tây Ban Nha thì đọc tác phẩm Don Quichotte. Về tâm hồn Nga, hãy đọc các tác phẩm của Tolstoi… Tác giả Thu Giang đã liệt kê rất nhiều đại văn hào cho từng quốc gia, mỗi đại văn hào lại có những tác phẩm tiêu biểu.
- Ảnh hưởng của địa lý đối với con người: Géopsyché của bác sĩ Willy Hellpach, La Géographie humaine của Maurier Le Lannou (Flammarion), L’Homme et le Sol của Henri Prat (Gallimard),…
Chương VI: Học những gì?
Ở cấp tiểu học, cái chính là dạy cho trẻ em những kiến thức cấp bách và cần thiết như đọc viết, tính toán, vệ sinh, sử địa cơ bản. Ở bậc đại học, cái chính là đạo tạo ra những người có chuyên môn trong một lĩnh vực hẹp nào đó. Còn cái chính của giáo dục ở bậc trung học chính là để dạy cho trẻ em một cái vốn căn bản thuần tuý, rèn luyện óc thông minh, nuôi dưỡng những đức tính tốt đẹp và chỉnh sửa những suy nghĩ, tư tưởng, nếp sống, lề lối còn sai lầm.
Về chương trình học bậc trung học, ta nên học tập ở những nước tiên tiến. Họ dạy văn học, khoa học, dịch thuật, sử học, triết lý, trong đó, môn được dành nhiều thời gian nhất chính là văn học.
Về những môn học ấy, có thể được tóm lược lại thành: học viết. Cụ thể, tác giả đề cập đến 2 mục là viết văn và dịch thuật.
- Học viết văn: để tập viết văn, trước tiên cứ viết cho thường, đồng thời cũng nên đào tạo cho mình những hiểu biết tối thiểu về nghệ thuật viết văn. Tác giả khuyên ta đọc bộ Luyện văn của Nguyễn Hiến Lê, ngoài ra cũng có nhiều sách Pháp khác.
- Học dịch văn: dịch văn cũng là một phương pháp để giúp ta viết văn hay hơn.
Chương VII: Ba yếu tố chính để xây dựng một nền văn hoá vững chắc
1. Óc khoa học
Óc khoa học có thể được chia thành 2 loại chính: óc toán học và óc thực nghiệm. Ta cần có hiểu biết tương đối ở hai lĩnh vực lớn ấy. Về toán học, học hình học sơ cấp là cũng đủ để cho ta biết lối lập luận, xây dựng logic. Về khoa học, tác giả đã liệt kê rất nhiều tập sách Pháp của những nhà khoa học nổi tiếng, nhưng tôi thấy đấy đều là những quyển đã xuất bản từ lâu, rất khó kiếm. Mà thật ra, với phần lớn người đọc, khi đọc sách khoa học thì ta nên chọn sách mới xuất bản vì những sách như thế dễ tìm hơn, từ ngữ dùng có nét nghĩa gần gũi hơn và hình thức sách. Tôi sẽ dựa vào những gợi ý của tác giả để tìm những quyển sách khoa học hiện nay phù hợp.
2. Óc triết học
Tác giả đề xuất nên bắt đầu từ tâm lý học, rồi đến luận lý học và luân lý học. Sau đó, đi thẳng vào triết học với sự bắt đầu bằng lịch sử triết học. Tác giả cũng đã liệt kê rất nhiều sách. Tuy nhiên phần nhiều là sách về triết học Đông phương. Tác giả đã chỉ cho bao nhiêu sách hay như thế, chắc chắn tôi sẽ dành thời gian ra để đọc.
3. Biết xúc cảm
Học mà có sự ham muốn, say mê, hăng hái thì sự học mới trở nên sâu sắc. Có ba phương pháp để làm dồi dào tình cảm của ta:
- Sống cho kẻ khác
- Cậy vào văn nghệ
- Sống trong cô tịch, giữa cảnh vật thiên nhiên
Chương VIII: Một vài nguyên tắc làm việc
- Đi từ cái dễ đến cái khó, và phải tin ở sự thành công.
- Để làm việc có hiệu quả là phải làm việc đều đều, không nên để gián đoạn.
- Bất cứ học môn nào phải khởi đầu bằng những yếu tố đầu tiên của môn học ấy, nghĩa là khởi học lại những căn bản sơ đẳng và đừng bao giờ đốt giai đoạn. Phần nhiều những thất bại về tinh thần đều do sự không biết xây đắp vững chắc cho nền tảng học thức đầu tiên của ta.
- Biết lựa chọn: là biết lựa chọn những công việc nào hợp với khả năng của mình. Và một khi đã lựa chọn xong thì hãy can đảm thực hiện cho kỳ được môn mình đã lựa chọn; biết giải trí bằng cách thay đổi công việc làm.
- Phải biết quý thời giờ làm việc của ta và đặt cho nó thành một kỷ luật.
- Biết dùng thời giờ làm việc và tiết kiệm từng phút một
- Hễ làm việc gì thì hãy làm cho hoàn tất, đừng phải trở lại một lần thứ hai.
- Muốn làm việc cho có hiệu quả thì phải có một sức khỏe dồi dào.
Cảm tưởng về tác phẩm
Tác phẩm có ý nghĩa với tôi như là ngọn đuốc rọi sáng con đường theo đuổi học vấn của bản thân. Nói thế là bởi ngọn đuốc chưa chắc cho ta thấy được toàn cảnh con đường, nhưng ít nhất cũng cho ta nhìn rõ được gần trước như nào. Ngọn đuốc mang sự ấm áp, sự an tâm, giải thoát ta khỏi bóng tối vô định, làm ta thêm tự tin mà bước tiếp. Đọc xong quyển sách, tôi biết mình còn đang thiếu gì, cần hoàn thiện hơn bằng cách nào, hiểu bản thân mình hơn và vững tin vào lựa chọn của mình.