Với tôi, để có kiến thức vững chắc, trình độ văn hoá tốt, tự học là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng tự học như nào cho đúng thì tôi vẫn hoài băn khoăn. Tác phẩm “Tôi tự học” của tác giả Thu Giang đã giúp tôi giải đáp trăn trở đó, đồng thời cũng mở ra cho tôi bao nhiêu là vấn đề mới về việc học. Quyển sách này đánh dấu một sự phát triển của tôi trên con đường theo đuổi học thức. Tôi coi nó là sách gối đầu giường, là chiếc la bàn của mình khi đứng giữa đại dương học vấn mênh mông, bởi mỗi lần đọc, tôi đều được gợi ra cho điều gì đó mới mẻ. Nay, tôi viết lại những ghi chú của mình về tác phẩm này.

Chương I: Thử tìm một định nghĩa

“Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý.”

Tôi tin rằng hai câu trên, được trích từ “Tam tự kinh”, là đủ để thuyết phục bất cứ ai rằng: để làm người, thì việc học là thiết yếu. Để hiểu sâu hơn, ta có thể đặt câu hỏi:

  • Như thế nào mới coi là “nhân tri lý”?
  • Tại sao “nhân” phải biết “tri lý”? Không “tri lý” có được không?
  • Làm thế nào để thành “nhân tri lý”?

Về câu hỏi thứ nhất, ta quan sát thấy rằng trên đời này, dù thời đại nào đi nữa, cũng có biết bao nhiêu là người đọc nhiều, học rộng, biết sâu, họ có bao nhiêu bằng cấp, chứng chỉ, nhưng vẫn bị thiên hạ chê trách là “vô học”. Biết rằng đó có thể là những lời ác ý, nhưng cũng không khiến ta không khỏi ngẫm về định nghĩa “người có học”. Học nhiều không đảm bảo cho ta thành một người có học. Người có học phải là người mà kiến thức của họ hoà hợp, tương tác với ký ức, tinh thần, tư duy, nhận thức và hành động của họ. Không phải là lớp sơn bóng loáng bên ngoài, kiến thức học được phải “thấm vào máu thịt” – nói như thầy dạy toán cấp hai của tôi.

Nhưng hà cớ chi ta phải trở thành người có học? Tôi tin rằng tất cả các lý do sống của mỗi người chúng ta đều có thể được diễn đạt lại thành: “để hạnh phúc”. Dù tôi cũng chưa cắt nghĩa được hạnh phúc là gì, nhưng tôi biết chắc rằng sống mà không hạnh phúc thì không được gọi là sống đâu. Việc học tập, chính nó sẽ giúp ta hạnh phúc hơn. Học về “Chuyện người con gái Nam Xương” giúp ta biết thương cảm cho thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Học về “Truyện Kiều” cho ta thấy được bao cảnh đẹp đầy cảm xúc mà Nguyễn Du vẽ ra từ ngôn từ. Học về bao cuộc kháng chiến trong lịch sử Việt Nam để ta thêm yêu cuộc sống hiện tại, biết kính trọng các liệt sĩ. Học toán tin tốt thì ta bao nhiêu cơ hội lựa chọn “công việc lương cao”. Học sinh học tốt để biết đâu ta có thể giúp những người nông dân có một vụ mùa tốt hơn. Những việc tôi vừa kể, không phải chính là hạnh phúc sao. Còn biết bao nhiêu lĩnh vực, mỗi lĩnh vực lại cho ta một kiểu hạnh phúc riêng, tại tôi không biết nhiều và cũng không có tài hoa viết văn nên không sao kể hết, kể hay được. Cái học, dù là học rộng hay học sâu, dù là làm nghệ thuật hay thuộc về công nghệ, dù là bé hay lớn thì đều mang cho ta hạnh phúc. Cũng từ đó, ta cũng thấy rằng: “học thức nhiều hơn” thì cảm được nhiều nguồn hạnh phúc hơn do đời sống tinh thần phong phú hơn. Hướng đến tối ưu niềm hạnh phúc, thì điều tất yếu ta phải làm sao cho “có nhiều học thức hơn”.

Nghĩ chiều ngược lại, người không có học thức, thật ra không hẳn là không có hạnh phúc. Họ vẫn có hạnh phúc chứ, nhưng đó là một hạnh phúc vô tâm. Hạnh phúc như thế, tàn nhẫn lắm. Tàn nhẫn với xã hội, với mọi người và cũng với chính cuộc sống của người đó.

Để trở thành người có học thức, thì ta phải biết “học đi đôi với hành”. Không phải là “học” và “hành”, mà phải là “học đi đôi với hành”. Lúc “hành”, ta lấy cái đã học được ra mà ứng dụng. Lúc “học”, ta nhớ lại lúc ứng dụng xem có điều gì mới mẻ gì nảy ra không, lấy đó mà đối chiếu, liên hệ. Học phải kỹ đến mức quên, thì mới gọi là học được. Bởi nếu còn nhớ, là chưa nhập tâm. Và điều quan trọng không kém, đó là biết nhẫn nại. Ngay cả bậc vĩ nhân, cũng nhờ kiên nhẫn học tập, suy nghĩ mãi về một vấn đề nên có thể tạo ra bao công trình, bao nghiên cứu vĩ đại. Phần đông con người là tầm thường so với họ, chắc chắn không thể nào học chấp thời gian được.

Chương II: Những yếu tố chính

Con người có thời gian và nặng lực bị giới hạn, thế nhưng kiến thức ta chưa biết thì mênh mông, bất tận. Thật là một mâu thuẫn đau đớn. Từ mâu thuẫn đấy, mà con người chia ra ba loại: người chịu dốt, nhà chuyên môn và nguỵ trí thức; trong này, loại nguỵ trí thức là nguy hiểm nhất. Trong ba loại, nhà chuyên môn là lựa chọn hợp lý nhất.

Là nhà chuyên môn, ta phải tránh việc đào quá sâu vào cái chuyên môn mà quên đi bao thứ khác. Ta học sâu để có sinh kế, để đóng góp cho xã hội. Bên cạnh đó ta cũng phải đào tạo cho mình cái hiểu biết tổng quát để làm đời sống tinh thần ta thêm phong phú, ta không có cái nhìn bị hẹp hòi, phiến diện.

Khi học, ta phải hết sức cố gắng. Không chỉ đơn thuần là bỏ công, bỏ thời gian, để học cho tốt, ta còn phải chủ động, phải đem cả trí lực ra quan sát, đọc sách, nghiền ngẫm. Sự cố gắng kéo dài được ấy nhờ lòng ham muốn mê say, vì thế tìm được hứng thú chính là điều kiện đầu tiên của việc học.

Khi học, ta phải biết tổ chức, soạn lại ý nghĩ của mình. Tự nghiền ngẫm, viết lại theo cách viết của ta, đừng dựa trên cái khung của ai trước, và cũng đừng để mình bị nô lệ, phụ thuộc vào học thuyết của ai. Tự mình viết như thế, ta cũng chớ quên việc tuyển chọn những quyển sách hay, chương sách hay, đoạn văn, hay câu văn tâm đắc mà chép lại. Ta thấy hay, là vì những câu văn đấy làm lòng ta rung động đúng nhịp, “cùng tần số mà cộng hưởng với nó”. Tiếng lòng mình, được một nhà văn tài hoa viết lại, không thể không chép lại hay đánh dấu lại được.

Cái hướng quan trọng nhất mà học tập là hướng vào trong, tức cái học cần thiết chính là học về bản thân. Bởi suy cho cùng, cái học nào mà chẳng phục vụ cho cái học về bản thân, làm lợi cho mình. Mà cũng phải nghĩ ngược lại, học mà chỉ nghĩ về bản thân, cai trị người khác để phục vụ cá nhân, lấy sự ngu dốt của người khác để bậc thang để thành công là bất lương. Thế nên, ta cũng phải học hướng ra ngoài, tức là học cách xử thế.

Chương III: Những điều kiện thuận tiện

Để xây dựng cho mình một nền học vấn vững chãi, ta cần có:

  1. Thời gian, tất nhiên là vậy rồi.
  2. Tránh tinh thần xao nhãng, phải biết tập trung tinh thần. Muốn như thế, cần có một đời sống giản dị, tức là phân biệt chính-phụ. Tập trung tinh thần khác với chỉ chú tâm vào cái chuyên môn mà quên đi cái khác. Tập trung tinh thần tức là khi nhìn tổng quan, ta vẫn biết giữ được cái ý chính, là ta phải biết kiên trì nhẫn nại.
  3. Hiểu được nhân-quả: một cái “quả” là từ nhiều cái “nhân”, từ cái “nhân” đó cũng là từ nhiều cái “nhân” khác nữa, cái “quả” cũng sẽ góp phần tạo nên cái “nhân” khác. Sự việc trên đời liên kết chằng chịt, thế nên chớ vội kết luận mà phải biết quan sát, lập luận.
  4. Quan sát tinh tế, phải biết để ý những điểm giống và khác nhau.
  5. Biết thán thưởng trước những điều mới, đừng cho cái gì ta học qua rồi mà coi thường, mà không biết bất ngờ. Luôn biết đặt câu hỏi: “Tại sao?”. Đặt được câu hỏi cho sáng suốt cũng nhờ từ sự quan sát tinh tế, thấy được điểm dị-đồng của các sự vật, sự việc.

Chương IV: Những phương tiện chính

Để có một nền học vấn nhanh chóng, có lẽ cách duy nhất là đọc sách. Chỉ có cách đó mới giúp ta bắt kịp kiến thức mà nhân loại mất bao thế kỷ để tìm ra. Về đọc sách (nhằm phục vụ cho con đường học vấn) cần lưu ý 2 chuyện: chỉ đọc sách hay và biết cách đọc sách.

Về việc chọn sách hay, cách tốt nhất là hỏi những người có học thức cao thâm, nhờ họ chỉ cho sách đọc. Nếu không có ai nhờ cậy thì tránh chọn sách: dài lê thê, tẻ nhạt, viết tối nghĩa. Nhưng cũng có những sách quá ngắn, vui vẻ và dễ hiểu thì lại không giúp trình độ học vấn ta phát triển. Tốt nhất là ta nên chọn những sách đã “sống sót qua sự chọn lọc của thời gian”. Như André Maurois từng viết:

Quote

Faisons confiance au choix des siècles. Un homme se trompe; une génération se trompe; l’humanité ne se trompe pas : Homère, Shakespeare, Molière sont dignes de leur gloire. Nous leur donnerons quelque préférence sur ce qui n’a pas subi l’épreuve du temps. 1

“Cả nhân loại không thể nhầm được.” Thế nên, ta cứ chọn lấy sách kinh điển mà đọc, mà học.

Về cách đọc sách, ta cần lưu ý:

  1. Luôn dành một khoảng thời gian cố định trong ngày để đọc sách
  2. Chọn cho mình sách gối đầu giường, không nhất thiết phải là sách đọc hằng ngày mà là sách có ảnh hưởng lớn tới bản thân. Có thể chọn sách “hợp” mình, hoặc là sách “đối lập” với mình.
  3. Đọc sách “gốc”, tức là hạn chế dùng sách dịch, là phải đọc sách do tác giả trước tác, chứ không phải sách khảo cứu tác phẩm gốc.
  4. Tự tin chọn sách cao hơn tầm hiểu biết của mình.
  5. Tránh sách có quá nhiều chú giải và sách đi tóm tắt.
  6. Cần đọc đi đọc lại nhiều lần.
  7. Khi học một học thuyết mới, cứ thử sức trước với sách gốc. Nếu khó quá, hãy dùng sách giáo khoa.
  8. Khi đọc xong, nên chép lại, tóm tắt lại, tuyệt hơn nữa thì viết cảm tưởng.
  9. Cậy vào bản mục lục của sách mà ôn lại, hoặc có thể tự làm bản mục lục cho mình.

Về mục 6, cụ thể ở mỗi lần đọc, ta làm như sau:

  • Trước khi đọc sách, hãy ôn lại những hiểu biết của ta liên quan đến những gì sách có thể nói. Tuyệt hơn, ta có thể đặt một vài câu hỏi trước để tự giải đáp. Dựa vào đâu để biết ôn cái gì, đặt câu hỏi như nào? Dựa vào tựa sách, vào lời giới thiệu hoặc dựa vào lời phê bình đã nghe đâu đó.
  • Ở lần đọc đầu, lấy hết sức thiện cảm mà đọc. Biết đặt mình vào trong tác phẩm, tạm gác lại những mâu thuẫn nảy sinh trong lòng, tránh thiên kiến mà không đọc. Đồng thời, cố mà nắm được cái ý chính xuyên suốt tác phẩm.
  • Ở lần đọc thứ hai, hãy trở thành kẻ thù của sách. Lấy hết sức soi mói, phê bình từng ngóc ngách của tác phẩm. Phê bình, khác với phản bác, là để chỉ cho tác giả biết viết như nào mới hay hơn, mới không bị mâu thuẫn. Ta có quyền làm thế, bởi ở lần đọc đầu, ta đã dành mọi sự thiện cảm mà đọc, mà cảm thông với tác giả.
  • Ở lần thứ ba, hãy đem tất cả trí lực mà bảo vệ tác phẩm, chống lại những lời phê bình của ta ở lần hai hoặc của những người khác. Có lần đọc thứ ba này, ta mới hạn chế được cái thiên kiến mà bản thân có thể có khi đọc lần hai.

Với 3 lần đọc này, ta vừa đồng cảm với tác giả, vừa hiểu rõ các mặt trái phải mà tác phẩm muốn nói, thế là cũng tự tin để gọi là hiểu tương đối về tác phẩm rồi.

Đến đây tôi xin tạm gác lại, dành phần ghi chú của các chương còn lại cho bài viết sau.

Footnotes

  1. André Maurois – Un art de vivre (nguồn)